Quyền kiểm soát trong startup

Bởi
Startup
Cập nhật: 14/11/2023 7:10 pm
Đã đăng: 24/01/2020 8:00 am

Một nhóm sáng lập mà chúng tôi đã đầu tư đang nói chuyện với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Họ hỏi tôi là liệu founder có thường được giữ quyền kiểm soát sau series A hay không. Họ nói là quỹ đầu tư bảo họ, chuyện đó gần như không bao giờ xảy ra.

Ảnh minh họa

10 năm trước thì đúng. Trong quá khứ, các founder ít khi kiểm soát được ban quản trị sau khi gọi vốn series A. Một hội đồng quản trị series truyền thống gồm 2 founders, 2 đại diện quỹ đầu tư, và 1 thành viên độc lập. Gần đây thì nó được rút lại còn 1 founder, 1 đại diện quỹ, và 1 thành viên độc lập. Trong cả hai trường hợp, các founder không chiếm đa số ghế.

Nhưng không phải lúc nào cũng vậy Mark Zuckerberg đã kiểm soát hội đồng quản trị của Facebook sau khi gọi vốn series A, và đến giờ vẫn vậy. Mark Pincus cũng giữ quyền kiểm soát Zynga. Nhưng liệu họ có phải là trường hợp ngoại lệ hay không? Bao nhiêu phần trăm founder sẽ vẫn giữ kiểm soát sau series A? Tôi có nghe vài trường hợp thì founder vẫn kiểm soát trong các công ty mà chúng tôi đã đầu tư, nhưng tôi cũng không chắc chính xác là bao nhiêu. Thế nên tôi gửi email hỏi các founder của Y Combinator.

Câu trả lời của họ làm tôi khá ngạc nhiên. Trong khoảng hơn chục công ty chúng tôi rót vốn, thì các founder đều chiếm đa số ghế hội đồng quản trị sau series A.

Tôi cảm thấy ta đang ở điểm bùng phát. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm thường làm như việc founder vẫn giữ quyền kiểm soát hội đồng quản trị sau series A là viển vông. Nhiều quỹ còn làm founder thấy tự xấu hổ nếu mở miệng hỏi về chuyện này nữa, cứ như founder là gà hay là những gã cuồng quyền lực không bằng. Thế nhưng, các founder trong công ty chúng tôi đã đầu tư thì không phải gà hay cuồng quyền lực. Mà giả như họ đúng là vậy đi nữa, thì họ giống như Mark Zuckerberg, họ là loại gà cuồng quyền lực mà quỹ đầu tư nào cũng tranh nhau rót thêm vốn vào.

Founder giữ quyền kiểm soát sau series A là chuyện bình thường. Và thậm chí, tôi nghĩ trong các năm tới, đây sẽ trở thành chuyện đương nhiên.

Kiểm soát công ty không đơn giản chỉ là có phiếu bầu nhiều hơn những nhóm lợi ích khác trong hội đồng quản trị. Các nhà đầu tư thường sẽ tận dụng quyền phủ quyết đối với những quyết định quan trọng, như bán công ty chẳng hạn, dù cho họ kiểm soát bao nhiêu ghế hội đồng đi nữa. Hơn nữa, phiếu bầu của hội đồng thường ít khi chỏi nhau lắm. Các vấn đề sẽ thường được thảo luật trước khi bỏ phiếu, chứ không phải trong khi bỏ phiếu công khai. Tuy nhiên, nếu các quan điểm quá trái ngược và phải quyết định bằng phiếu bầu, thì cũng không thể chắc là bên nào sẽ thua. Đó là hoạt động của hội đồng quản trị trên thực tế. Anh không thể làm bất kì thứ gì anh muốn; hội đồng vẫn hoạt động dựa trên lợi ích của cổ đông; nhưng nếu anh có đa số phiếu, thì dĩ nhiên, quan điểm của anh về việc điều gì sẽ phục vụ cho lợi ích cổ đông sẽ chiếm ưu thế.

Vậy tóm lại, quyền kiểm soát hội đồng quản trị không phải là quyền kiểm soát tuyệt đối, và cũng không phải thứ viển vông. Chuyện này rõ ràng tạo nên sự khác biệt giữa bầu không khí trong nội bộ công ty. Nếu việc founder giữ quyền kiểm soát hội đồng sau series A trở thành thông lệ, thì bầu không khí của thế giới startup cũng sẽ thay đổi.

Việc chuyển đổi sang thông lệ mới có thể sẽ rất nhanh, bởi vì startup nào còn giữ được quyền kiểm soát, thì startup đó rõ ràng là loại tốt. Họ sẽ là người tạo xu hướng cho cả giới startup lẫn quỹ đầu tư.

Có nhiều lí do để quỹ đầu tư rất là “sỏi đá” khi đàm phán với startup. Lí do quan trọng nhất là vì họ không muốn nhường quyền kiểm soát cho founder để rồi phải về gặp đồng nghiệp với tư cách bại binh. Khi họ kí hợp đồng, họ muốn được về công ty mình và khoe khoang về các điều khoản ngon lành họ đàm phán được. Họ không thích bị đồng nghiệp cười chê vì đã nhượng bộ. Nói cách khác, nếu việc để founder giữ quyền kiểm soát không còn bị xem là “thất bại” của quỹ, thì đại diện quỹ không cần phải làm gắt, và nó sẽ sớm trở thành xu hướng.

Cũng giống như nhiều thay đổi khác mà quỹ đầu tư phải thích nghi, thay đổi này sẽ không phải vấn đề lớn như ta thường nghĩ. Quỹ đầu tư vẫn sẽ có thể thuyết phục; chỉ là họ không thể ép buộc nữa mà thôi. Mà nếu startup nào phải chịu sự bắt buộc từ quỹ, thì rõ ràng startup đó cũng chẳng đáng quan tâm nữa. Quỹ đầu tư mạo hiểm kiếm tiền từ số ít những startup đỉnh cao, và các startup gặp phải tranh đấu như trên rõ ràng không phải là startup đỉnh.

Việc biết là founder sẽ nắm quyền kiểm soát hội đồng thậm chí còn giúp quỹ chọn đầu tư tốt hơn. Nếu họ biết là họ sẽ không thể “đá đít” founder, họ sẽ buộc phải chọn founder mà họ tin tưởng. Vấn đề là, đó cũng là loại founder duy nhất họ nên chọn từ trước tới giờ.

* Series A: Vòng gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) của công ty khởi nghiệp (startup). Thường thì sau một thời gian sử dụng vốn tự thân (bootstrap) và từ nhà đầu tư thiên thần (angel investor), thì startup phải nhận thêm vốn từ các quỹ. Các đợt gọi vốn từ các quỹ gọi là series. Các series được đặt tên theo thứ tự A, B, C… Như vậy, Series A là vòng gọi vốn từ VC đầu tiên của startup.

* Founder (người sáng lập), startup (công ty khởi nghiệp)… là các từ tiếng Anh nhưng thông dụng đối với cộng đồng khởi nghiệp, nên không được dịch ra trong bài này.

Nguồn: Ecoblader
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.