12 thuật kinh doanh lưu truyền ngàn đời của Người Hoa

Bởi
Kinh doanh
Cập nhật: 03/12/2023 10:22 am
Đã đăng: 16/08/2022 7:00 am

Khách hàng tin tưởng, buôn gì đắt đó, ngàn năm nguyên giá trị.

© Fan Ho, Courtesy Blue Lotus Gallery

1. Quy luật tốc độ

Hãng giày Hựu Liên Sơn đời nhà Minh có ông chủ hãng tên là Hảo Tịnh, cái tên Hựu Liên Sơn có nghĩa là liên tục tăng tiến. Cửa hàng khi lấy số đo của khách hàng thì lưu giữ rất cẩn thận, thậm chí ghi nhớ cả những đặc điểm về đôi chân của khách hàng nếu như có điều gì đó khác thường. Một hôm có một học giả tên là Trương Hồng Sơn lai kinh ứng thí đã tìm đến cửa Hựu Liên Sơn đặt đóng một đôi giày. Cửa hàng như bao lần cũng ghi chép cẩn thận số đo của chủ nhân mà không hề biết rằng sau lần đó học giả Trương Hồng Sơn đã đỗ khoa bảng cao.

Cách đó không lâu, có một vị quan đương triều cũng đến đặt một đôi giày làm quà tặng. Chỉ cần nói tên khách hàng là Đại học sĩ Trương Hồng Sơn, cửa hàng đã mau chóng có được số đo của vị học giả lần trước. Giầy được giao cho khách hàng chỉ sau 3 ngày. Nhờ giữ được hồ sơ của khách mà hãng Hựu Liên Sơn mau lẹ đóng giày vừa chân cho khách. Câu chuyện này cho thấy việc phải nghiên cứu, thu thập tin tức thị trường quan trọng đến mức nào, nhưng cần kịp thời sử dụng tin tức để quyết đoán cũng chính là điều quan trọng.

2. Quy luật bất ngờ

Vị hoàng đế sáng lập ra nhà Minh cuối năm đó ra lệnh: Nhân dịp đầu năm lệnh cho mọi nhà phải treo câu đối. Sau đó hoàng đế thân hành đi thăm xem dân tình treo câu đối ra sao. Có một cửa hàng kinh doanh thịt heo may mắn được thiên tử thân hành viết câu đối cho cửa hàng để thu hút khách: “Đôi tay mở cửa sinh tử. Một nhát chặt đứt thị phi”. Chủ cửa hàng ngay lập tức cho khắc câu đối đó của thánh hoàng ở hai bên cửa hàng.

Người dân khắp nơi kháo nhau về cửa hàng thịt được nhà vua ban tặng câu đối, họ cho rằng thịt heo ở đây chất lượng tốt, đến thiên tử cũng phải thích nên kéo đến mua nườm nượp. Khéo dùng danh người làm nổi hàng hóa của mình là một bí quyết tạo ra sự bất ngờ dễ mang lại thành công.

3. Quy luật mới lạ

Cống Tử Giao làm đàn cổ. Mới lạ là điều rất đáng được nói đến trong kinh doanh, sản phẩm phải liên tục dồi dào, mẫu mã tân kỳ và khéo trình bày. Cống Tử Giao là nghệ nhân nổi tiếng chuyên làm đàn nguyệt, ông rất chú trọng trong việc chọn gỗ để làm đàn. Nhưng có một thời gian, người mua đàn chỉ thích những chiếc đàn nguyệt cổ, họ không biết chuộng đàn tốt khiến Cống Tử Giao phải suy nghĩ rất nhiều.

Ông bèn nhờ điêu khắc gia làm hoa văn xưa, nhờ nghệ gia sơn phết sơn có sắc cổ kính, sau đó ông chôn xuống đất một năm để cây đàn mang nét cũ và cổ. Khi đàn được đào lên, nhìn hoa văn và nước sơn đúng là “nguyệt cổ”, khách hàng trả giá rất cao. Đàn sau này được dâng cho vua khiến tiếng tăm của Cống Tử Giao được nhiều người biết đến.

4. Quy luật trọn gói

Có một người nước Chu làm nghề bán ngọc trai. Ông ta làm ra những chiếc hộp đựng ngọc trai bằng gỗ Đàn Hương, viền đá quý quanh hộp, trang trí bằng hồng ngọc và lông chim để đựng ngọc. Người đời sau này vẫn kháo nhau rằng ông khéo bán hộp hơn bán ngọc. Trọn gói phải hấp dẫn, quảng cáo phải bắt mắt, đấy là bí quyết của người buôn ngọc trai, ông thường mua lại những viên ngọc trai của người đi thuyền chài, sau đó chọn gỗ Đàn Hương thật đẹp để làm những chiếc hộp thật đặc biệt, ngoài chạm hình long phượng để đựng ngọc quý, bên trong thuê người lót nhung tím tía.

Khách hàng nô nức đồn nhau về chất lượng ngọc trai của ông mà họ không hề kháo nhau về chất lượng chiếc hộp, trau chuốt từ trong ra ngoài khiến ông lời trọn gói. Có những khách hàng mua hàng chỉ vì chiếc hộp chứ không phải mê ngọc của ông, có những khách hàng chỉ nhìn thấy chiếc hộp là đã ưng ngọc rồi, ông chủ trúng mối một cách ngon lành.

5. Quy luật chất lượng

Hàng thuốc Tống Nguyên Đường ở Bắc Kinh rất tỉ mỉ trong việc chế thuốc, cửa hàng chỉ dùng những thứ cao cấp để điều chế. Nào là vị thuốc quý ở miền sứ trung, nào là chỉ dùng thuần loại gà chân đen để làm ô kê bạch phụng hoàn, gà thì phải chọn loại đủ cân, đủ lạng, thịt gà phải đúng cách để đảm bảo tiết gà trong cơ thể và làm tăng giá trị dinh dưỡng. Có hơn 40 cách để chế nhưng cách nào cũng tỉ mỉ để đảm bảo chất lượng tốt nhất, bảo quản trong 3 năm nhằm hạ hỏa trong viên thuốc để có vị thơm ngon rồi mới đem ra bán. Đó là lý do không lạ gì mà tên tuổi Tống Nguyên Đường vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.

6. Quy luật sáng kiến

Trong thời nhà Đường, giá gạo ở Tuân Chu tăng vọt vì hạn hán. Một vị quan tên là Lương Vũ Chu thừa nhiệm của Thái thú Tuân Chu lo đối phó với việc này, ông yêu cầu quan lại ở vùng này phải trình sổ gạo còn trong kho rồi gia lệnh tuần sau cho xả kho gạo bán dưới giá chợ. Tin đồn Tân Thái thú sắp bán gạo tồn trong kho vào tuần sau lan rộng, cửa hàng nào cũng sợ gạo của mình bị ế nếu gạo trong kho được tuôn ra chợ với giá rẻ. Kết quả là giá gạo ở các cửa hàng giảm giá đồng loạt để mong bán hết, Lương Vũ Chu không cần xả kho an toàn chút nào. Lương Vũ Chu khéo khai thác dư luận để tạo ra thị trường tiêu dùng thuận tiện.

7. Quy luật linh động

Dưới triều Đông Hán, vùng liêu đông dân chúng nhưng chỉ nuôi heo đen. Một gia đình nuôi heo nọ lại có lứa heo đẻ toàn heo trắng, rất lạ, ai biết được cũng rất thích và hiếu kỳ đến xem đàn heo. Ông chủ nuôi heo nghĩ rằng ở vùng này toàn heo đen bèn mang lứa heo đó đến chợ Nam Kinh để bán, sau 3 tháng đi đường ông mới tới nơi nhưng ở đây giá heo trắng lại rất rẻ mạt vì ở Nam Kinh không thiếu gì giống heo này. Ông chủ nghĩ ngay trong đầu, như vậy có thể khai thác giống heo trắng ở quê nhà thì sẽ được khá lời. Ông mua ngay giống heo trắng ở Nam kinh mang về quê và bán được rất nhiều, đồng thời ở Nam Kinh không có heo đen thì ông mang giống heo đen đến đó bán. Mới có một năm mà ông giàu lên nhanh chóng. Linh động là lợi khí tuyệt vời không những giúp ta đương đầu quyết liệt giành thắng lợi mà đôi khi còn đền bù được những sự thua thiệt.

8. Quy luật uy tín

Nhà thuốc Hư Quỳnh Du Đường có lối thiết kế rất độc đáo, đại sảnh tiếp khách ở trong nhà, khách hàng phải đi qua hành lang vòng vèo dài 30m trước khi tới nơi làm việc, dọc 2 bên đại sảnh treo những tấm bảng đẹp trình bày 38 toa lừng danh, ở đâu cũng treo những tấm bảng to động viên khách hàng với giá cả đảm bảo, chất lượng hoàn hảo, uy tín. Khách hàng mua thuốc không ưng ý mang đến trả lại sẽ được bồi thường ngay, còn số bị trả lại sẽ được hủy ngay tại chỗ bên một lò than. Uy tín như thế thật là nhất hạng.

9. Quy luật lợi ích

Trên một đoạn đường chở hàng của các lái buôn, đường dốc gồ ghề khó đi cộng thêm tuyết rơi khiến các xe chở hàng đi lại khó khăn, một xe chở hàng nặng bánh xe bị lún vào tuyết, trên xe chất đầy những chiếc lu to và nặng, người đi đường xúm vào đẩy giúp mà xe hàng chẳng nhúc nhích chút nào. Trời sắp tối, đoàn xe chở hàng không biết tính sao vì đoạn đường ùn tắc, xe xếp hàng cứ dài dần trên đoạn đường dốc cheo leo. Có một lái buôn tên là Liêu Phổ cũng đi trên đoạn đường này rất nhanh trí, ông hỏi giá hàng hóa trên chiếc xe bị lún tuyết hết bao nhiêu, ông bèn mua hết số hàng trên xe rồi cắt dây buộc hàng, gỡ từng chiếc lu ra, nhờ mọi người ném xuống hẻm núi.

Xong việc, mọi người kéo chiếc xe một cách dễ dàng và giải phóng đoạn đường ùn tắc, ai cũng xôn xao muốn biết danh tính của người lái buôn hào hiệp đã bỏ tiền của mình ra để mở đường cho đoàn xe. Khi đoàn xe đã vào đến trong thành mà các lái buôn vẫn còn nói về Liêu Phổ, mọi người xúm nhau lại cảm ơn và đây cũng là cơ hội để Liêu Phổ bán thêm được hàng hóa của mình. Như vậy, hàng hóa được giao vào thành không bị muộn, vẫn đảm bảo được thời gian mà Liêu Phổ còn mở rộng thêm được mối làm ăn nhờ tấm lòng hào hiệp.

10. Quy luật thiện chí

Có một người tên là Hứa Thế Vân trước buôn vải, sau làm nghề môi giới ngành mỹ thuật. Do tay nghề non kém nên ông bị thua lỗ nhiều, phải sống vất vưởng ở xứ Chu. Cuộc sống vất vả, ông bèn nghĩ ra một cách là tìm mua tranh cổ ở những tiệm cầm đồ với giá rẻ, sau đó thuê người bồi lại tranh sao cho sạch sẽ rồi tìm mọi cách dâng và bán tranh cho những vị quan trong vùng có danh tiếng. Dán tranh đã có lãi, ông còn nhờ những vị quan mua tranh viết cho mấy dòng thư giới thiệu đến những người thích chơi tranh cổ có tiếng tăm và có tiền.

Cứ như vậy, nhờ những lá thư giới thiệu từ những người có uy tín, công việc làm ăn của ông trở nên thuận lợi. Có nhiều vốn, Hứa Thế Vân tự mở một phòng tranh và sống dư giả từ đấy.

11. Lấy nghĩa làm lợi, trọng nghĩa hơn tài

Thời nhà Thanh có một thương nhân tên là Thư Tuân Cương, giỏi tính toán, ưa quyền hành, thích đọc “Tứ thư”, “Ngũ kinh”, và hay vận dụng nghĩa lý trong sách vào kinh doanh. Ông ta từng nói:

“Tiền, tuyền dã” (tiền như dòng suối mà thôi). Ông ta còn nói: “Đối với con người sinh tài có cách của nó, lấy nghĩa làm lợi, không nên lấy lợi làm lợi. Đất nước đã như vậy, huống hồ thân gia.”

Thương gia đất Huy Châu là Lý Đại Hạo luôn dạy con cái của mình rằng: “Tiền bạc nhờ đạo đức mà có, cái lợi làm tổn cái nghĩa, phải lấy đó mà tự răn mình. Giàu có mà bất nghĩa thì cùng chi là phù vân”.

Tử viết: Quân tử yêu tài là cách đúng đắn, lấy nghĩa đoạt lợi, đức tài hưng phát. Bỏ nghĩa đoạt lợi, mất nghĩa mà cũng chẳng được lợi. Đấy là lời khuyên dành cho những nhà kinh doanh. Những ai tích thiện, ắt sẽ dư thừa, những ai không tích thiện ắt sẽ bị phá. Nếu một nhà kinh doanh giỏi có trí tuệ muốn làm ăn lâu dài chắc chắn sẽ không dùng thủ đoạn độc ác, bỉ ổi để giành lợi. Dùng bất cứ thủ đoạn tàn ác nào để buôn bán làm ăn cuối cùng cũng sẽ mất đi lợi nhuận và bị người đời khinh ghét.

12. Kỳ kế thắng binh, kỳ mưu sinh tài

Binh gia thường nói: “Tướng binh nhiều nhưng không có người giỏi thì chẳng thể tranh đấu với người. Người tham chiến phải tinh nhuệ mới giành được thắng lợi.” Tư Mã Thiên đã viết trong “Sử ký” rằng: “Trị sinh chi chính đạo dã, nhi phú giả tất dụng kỳ thắng.” (Chính trị đi theo đường chính đạo, người giàu có tất dùng điều kỳ lạ để thắng).

Trong sách còn liệt kê ra những thương nhân như Ung Bá bán quẩy, Trùng Thị bán thịt… Họ đều là những người nắm giữ một bí quyết kinh doanh những mặt hàng kỳ lạ mà giàu có nhanh chóng. Trương Tiểu Tuyển người đời sau mờ cửa hàng bán dao kéo cũng vậy.

Một thương nhân tên Tào Thị người huyện Thái Cốc – Sơn Tây đời Thanh cỏ một lần trông thấy thân cây cao lương mọc rất cao, bông to, trông vô cùng trĩu nặng. Ông thấy đây có điểu gì bất thường liền ngắt mấy cành xem thử, phát hiện ra trong thân cây có sâu hại. Thế là ông ta vội vàng sắp xếp thu mua một lượng lớn lương thực ngay. Khi ấy mọi người đều hy vọng được mùa bội thu nên bán ra lượng lớn cao lương dự trữ trong kho. Kết quả cây cao lương khi gần chín phần lớn bị sâu bọ cắn chết, cao lương mất mùa còn Tào Thị lại có kế hay nên trúng lớn.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.