Ngày 20/2/2009, một ngày bình thường mây trắng bay, vị giám đốc già Philip Davison-Sebry đang tận hưởng kỳ nghỉ tại thiên đường Maldives.
Chả là lúc này cũng vừa đúng dịp sinh nhật lần thứ 50 của vợ, công việc ở nhà tạm ổn định, công ty thì đang chạy rất êm xuôi, nên Sebry dẫn vợ đi một tua du lịch nước ngoài để hai vợ chồng được xả hơi.
Công ty của Sebry là Taylor & Sons Ltd., một công ty có bề dày lịch sử 134 năm. Công ty cơ khí Taylor & Sons thành lập từ năm 1875. Qua quá trình phát triển, họ đã có rất nhiều đối tác và khách hàng khổng lồ, có thể kể đến như Tata Steel hay Corus Entertainment. 57 tuổi, điều hành một công ty tốt, giờ thì cùng vợ ngắm mây trôi ở thiên đường hạ giới Maldives—một cuộc sống viên mãn cho Sebry.
Vừa đúng lúc đó thì điện thoại reo.
Dĩ nhiên, trong một quyển sách như thế này, điện thoại reo đúng ngay phần mở đầu là một thứ chả có gì tốt lành cho nhân vật chính. Sebry bắt máy. Là bên Corus gọi, giọng hớt hải:
– Ông đang ở đâu?
– À, tôi đang nghỉ mát ở Maldives.
– Maldives hả? Công ty sắp phá sản mà ông đi nghỉ mát à? Ông định trốn chứ gì?
– Ai phá sản?
– Công ty ông chứ ai!
– Không thể nào!
– Ông tự đi mà xem!
Chưa kịp hoàn hồn, lại có điện thoại. Lần này là từ Tata Steel với nội dung tương tự.
Có điều gì đó kỳ cục ở đây.
Ngày 20/2/2009 cũng là một ngày bình thường ở Nha Thông tin Doanh nghiệp (Companies House). Đây là cơ quan chịu trách nhiệm nhận và thông báo các thông tin về doanh nghiệp khắp nước Anh: họ nhận thông tin đăng kí mới, cũng như đăng các thông tin quan trọng khác về doanh nghiệp như thanh lí, phá sản, tăng vốn…
Trong số các thông tin mà họ phải đăng hôm đó, có một mẩu tin với nội dung là Công ty Taylor & Son (KHÔNG-CÓ-CHỮ-S) ở tít Manchester đã mở thủ tục phá sản và đang thanh lí tài sản. Và vào một khoảnh khắc bừng ngộ huy hoàng, một người nào đó trong Nha đã mắt nhắm mắt mở điền thêm một chữ “s” vào tin phá sản này. Thế là ngay lập tức, Công ty Taylor & Sons ở Xứ Wales thấy mình được nổi tiếng trên mặt báo, còn CEO Sebry thì nhận điện thoại tới tấp chẳng khác gì tổng đài.
Ngạc nhiên chưa!
Chắc chắn ai cũng sẽ ngạc nhiên, nhưng người ngạc nhiên nhất hẳn là Sebry. Vừa ngạc nhiên, vừa sợ. Ông đã tìm cách quay về để giải quyết, vì đâu ai có thể tận hưởng kỳ nghỉ của mình khi công ty đang khỏe mạnh tự dưng lăn ra phá sản.
3 ngày sau, người ở Nha Thông tin thông báo điều chỉnh sai sót, trả danh hiệu phá sản về lại cho Taylor & Son không-có-chữ-s. Nhưng mọi thứ đã quá muộn.
Sao lại quá muộn? Một tin sai sót nhỏ thì tác động xấu được tới đâu chứ? Cùng lắm là vài “vết hằn” trong lịch sử công ty, thứ mà mọi người sau này chỉ thấy hài mỗi khi kể lại mà thôi…
Không. Nếu đơn giản vậy thì chắc chắn câu chuyện này không nổi tiếng đến thế.
Sau khi thông tin Taylor & Sons lâm vào tình trạng phá sản được công bố, người lo sợ nhất chắc chắn là những đối tác làm ăn của công ty này: khách hàng trả tiền trước nhưng chưa nhận hàng rất lo, nhà cung cấp dĩ nhiên cũng không muốn gửi thêm hàng để rồi không thu hồi được công nợ.
Và thực tế là họ lo ra mặt: Ngay khi biết đối tác của mình phá sản, còn ông giám đốc thì đang ở một đất nước xa xôi nào đó, các nhà cung cấp ngay lập tức ngưng cung ứng hàng, làm hoạt động của công ty đình trệ. Không có đầu vào đồng nghĩa với việc không có sản phẩm ở đầu ra. Không có sản phẩm đầu ra đồng nghĩa với việc không có hàng giao cho khách. Và dĩ nhiên, khách hàng nếu thấy Taylor & Sons đột nhiên ngưng cung ứng hàng, đồng thời lên mạng lại thấy thông báo phá sản, thì sẽ tìm cách ngưng hợp đồng. Những công ty đã lỡ trả tiền trước hoặc có công nợ chưa thu ngay lập tức tới đòi tiền. Ngân hàng cho Taylor & Sons vay chắc chắn cũng cử người tới giải quyết. Họ đã cho Taylor & Sons vay đến 40 triệu bảng, không dễ gì ngồi yên được.
Còn Taylor & Sons thì, rõ ràng, làm gì có sẵn tiền mà trả.
Tình hình bỗng chốc rối ren: 250 nhân viên của Taylor & Sons chợt thấy hàng loạt đối tác tới đòi tiền, còn hoạt động thì ngưng trệ. Nếu công ty của bạn đang làm việc bỗng rơi vào tình trạng này, bạn sẽ làm gì đầu tiên?
Chính xác: nhân viên của công ty bắt đầu tìm cách đòi lương và âm thầm đi tìm việc khác, nhảy tàu trước khi quá muộn. Các đối thủ nhanh chóng lợi dụng thời cơ: Taylor & Sons trượt chân rơi xuống sông, lẽ dĩ nhiên các đối thủ sẽ không cho họ kịp ngóc đầu lên để thở.
3 ngày để cải chính là quá dài cho Sebry. Ở thời đại thông tin tên lửa như ngày nay, 3 ngày là đủ để tin xấu đến tai tất cả mọi người. Mọi hoạt động công ty gần như đình trệ. Uy tín công ty coi như mất, và phải gây dựng lại. Sự cân bằng và sức mạnh thương thuyết ban đầu hầu như không còn: giờ đây không ai muốn dính tới ông, ít nhất là sau vài tháng nữa, khi mọi sự đã rõ ràng hơn một chút.
Taylor & Sons không chờ lâu được. Trước khi công ty lâm vào tình thế trớ trêu này, họ đang có hợp đồng hàng tháng trị giá 400.000 bảng với Tata Steel, và họ cũng đang thương thảo hợp đồng 3 triệu bảng với Hiệp hội Tàu cứu hộ Hoàng gia (Royal National Lifeboat Institute). Giờ thì tất cả mất hết. Sebry không thể khôi phục hoạt động bình thường trong thời gian ngắn.
2 tháng sau, Taylor & Sons mất thanh khoản, không có tiền trả nợ nữa. Và được Nha Thông tin Doanh nghiệp cho lên bản tin lần thứ hai. Một điều an ủi duy nhất: ít ra thì ở lần nêu tên công ty phá sản này, tên công ty đúng là của họ.
Sebry uất ức lắm. Sau khi hoảng loạn cầm cự với công ty đến cùng và bỏ cuộc vào năm 2014, chấp nhận cho Taylor & Sons trở thành dĩ vãng, thì vào năm 2015, Sebry lập tức đâm đơn kiện Nha Thông tin Doanh nghiệp vì chữ “s” sai lầm kia.
Thẩm phán Edis khi xử vụ này đã nghiêng về phía Sebry. Ông cho rằng đúng là sai sót của Nha là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá sản của Taylor & Sons, và Nha phải chịu trách nhiệm đền bù cho Sebry. Giá trị hợp lí của Taylor & Sons trước thảm họa chữ “s” được quyết định là 8,8 triệu bảng Anh.
Một sự an ủi lớn cho Sebry, nhưng có lẽ vẫn không thể bù đắp nổi những gì ông và cả xã hội đã mất: Sebry mất thời gian và sự yên bình; xã hội mất một doanh nghiệp tốt; nhân viên mất một chỗ làm tốt.
Tất cả cũng chỉ vì một chữ “s” cẩu thả được một anh nhân viên lơ đễnh nào đó đặt không đúng chỗ mà thôi…
P/S: Cập nhật tình hình: Sau phán quyết của Edis, Nha Thông tin kháng án, vì cho rằng phán quyết này sẽ tạo nên một tiền lệ xấu trong hoạt động của Nha. Tuy nhiên, trước khi ra tòa lần tiếp theo, vào khoảng đầu năm 2017, hai bên đã dàn xếp bằng một thỏa thuận riêng không được công bố cụ thể.
Bài được trích từ cuốn “Thương Trường kỳ truyện” do tác giá Hạo Nhiên biên soạn.