Khi nhắc đến “Facebook”, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là màu xanh lam. Khi nhắc đến “Samsung”, hẳn ai cũng nghĩ tới điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Vậy nên, hẳn sẽ chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng một công ty như Samsung sẽ bán… tạp hoá hoặc Facebook mang bất kỳ màu nào khác ngoài màu xanh phổ biến.
Tại sao Facebook lại chọn màu xanh làm màu chủ đạo?
Lý do Facebook có màu xanh không phải chỉ vì màu xanh tạo cảm giác êm đềm mà còn do Mark Zuckerberg bị mù màu xanh lá và đỏ. Theo tờ The New Yorker, Mark bị mù màu xanh lá và đỏ, điều đó đồng nghĩa với việc xanh lam là màu sắc anh ấy có thể nhìn thấy tốt nhất. Đối với đa số mọi người, thị giác là giác quan phát triển mạnh mẽ nhất. Đó cũng là lý do mà 90% sự đánh giá khi dùng thử sản phẩm được tạo ra chỉ bằng màu sắc. Các nghiên cứu cho thấy màu xanh đậm có thể kích thích suy nghĩ thông suốt, rõ ràng và màu xanh nhạt sẽ giúp làm dịu tâm trí và cải thiện sự tập trung.
“Cha đẻ” của Vaseline đều đặn ăn một muỗng Vaseline mỗi ngày
Robert Chesebrough, người phát minh ra Vaseline, là một người cực kỳ tin tưởng vào phát minh của mình. Sau khi biết chất rod wax trong chuyến thăm một mỏ dầu vào năm 1859, Robert đã dành hơn một thập kỷ để hoàn thiện quy trình chiết xuất và tinh chế để điều chế ra Vaseline. Theo Ripley’s Belley It Or Not, vào năm 1874, các cửa hàng đã bán hơn 1.400 lọ Vaseline mỗi ngày. Trên thực tế, Robert đã tự lái xe vòng quanh New York để quảng cáo sản phẩm và giới thiệu các đặc tính chữa bệnh của Vaseline. Ông cũng tin tưởng rằng sản phẩm của mình có nhiều đặc tính y học nên đã ăn một muỗng mỗi ngày cho đến khi ông qua đời ở tuổi 96.
Áo phông ban đầu được sản xuất cho những chàng trai độc thân
Ngày nay, áo phông được cho là trang phục phổ biến nhất trên toàn thế giới. Năm 1904, CUC đã thực hiện chiến dịch quảng cáo giới thiệu một sản phẩm mới được thiết kế dành riêng cho các chàng độc thân, được gọi là “bachelor undershirt”. Câu khẩu hiệu “Không ghim băng – không nút – không kim – không chỉ” nhằm chỉ cánh đàn ông không có vợ và không có kỹ năng may vá. Trong vòng một năm, những chiếc áo phông trở nên vô cùng phổ biến không chỉ với hàng ngàn chàng trai độc thân mà còn trở thành trang phục không thể thiếu của những người đàn ông đã có vợ.
Mặc dù chiếc áo phông đã được quảng bá rộng rãi thông qua chiến dịch của CUC nhưng họ lại không phải là người phát minh ra nó. Theo tờ New York Times, những chiếc áo phông được phát triển trong thế kỷ 19 khi những người lao động cắt áo liền quần làm đôi để mặc vào những khi trời nóng.
Xem thêm: Tìm hiểu lịch sử chiếc áo thun
Kẹo bông được phát minh bởi một nha sĩ
Mặc dù kẹo kéo (spun candy) đã tồn tại hơn 500 năm, nhưng nha sĩ người Tennessee Willieam J.Morrison được ghi nhận là người phát minh và phổ biến kẹo bông ở Mỹ. Vào năm 1897, ông đã hợp tác với người bán bánh kẹo John C. Wharton đến từ Nashville để tạo ra một cỗ máy tạo ra các loại kẹo. “Cỗ máy kẹo” của họ có thể làm tan chảy đường và kéo đường để tạo ra món kẹo phổ biến được hàng triệu người trên thế giới ưa chuộng. Năm 1904, bộ đôi giới thiệu máy và kẹo bông tại Hội chợ Quốc tế St. Louis và đã thành công ngay lập tức.
Lamborgini đã ra đời như thế nào?
Có lần Enzo Ferrari nói với một người đàn ông rằng:
“Ông có thể lái máy kéo đấy nhưng ông sẽ không bao giờ có thể điều khiển một chiếc Ferrari được đâu”.
Những lời này của Ferrari đã thực sự khích động người đàn ông nọ và khiến ông quyết định tạo ra một chiếc xe hoàn hảo. Tên ông ấy là Ferrucio Lamborghini.
Ngày nay, Lamborghini là điển hình cho dòng xe sang trọng với mức giá thấp nhất 200.000 USD ( tương đương 4,6 tỷ đồng). Tuy vậy ít ai biết rằng chúng có nguồn gốc từ chiếc máy kéo khiêm tốn. Trên thực tế, nếu không phải vì cái tôi của một người thì có lẽ Lamborghini sẽ chẳng bao giờ tồn tại. Năm 1949, Lamborghini mở một doanh nghiệp máy kéo, nhưng cuối cùng lại sản xuất máy điều hòa không khí và máy sưởi bằng gas. Công việc kinh doanh thuận lợi khiến ông vô cùng giàu có và cho ông cơ hội để trải nghiệm thư giãn trên những chiếc xe thể thao khác nhau.
Niềm yêu thích của ông lúc bấy giờ là một chiếc Ferrari 250GT lại trở thành nguyên cơ của vấn đề. Sau khi tự mình kiểm tra chiếc xe, Lamborghini đã đề xuất một số thay đổi đối với Ferrari để tạo ra một bộ ly hợp tốt hơn trong một chiếc xe cao cấp. Ferrari không hề hứng thú với điều này và cho rằng Lamborghini tốt hơn hết hãy gắn bó với thiết bị canh tác mà ông ấy biết rõ nhất. Điều này khiến Lamborghini vô cùng tức giận nhưng đồng thời cũng tiếp thêm động lực để ông tạo ra chiếc xe hoàn hảo hơn. Chính vì vậy mới có sự xuất hiện của Lamborghini 350 GTV và nhiều chiếc xe sang trọng khác nữa.
Nutella – ví dụ điển hình cho câu “cái khó ló cái khôn”
Hẳn không ngoa khi nói rằng cả thế giới đều yêu thích Nutella. 365.000 tấn Nutella được sản xuất mỗi năm, nghĩa là bạn có thể vòng quanh thế giới 1,8 lần với số lượng Nutella đó. Chưa hết, bạn còn có thể bao phủ Vạn Lý Trường Thành 8 lần với số lượng Nutella được bán ra trong một năm. Vậy đâu là nguồn gốc cho loại thực phẩm vạn người mê này?
Sau Thế chiến II, do thiếu hụt cacao nên Pietro Ferrero – một đầu bếp bánh ngọt từ vùng Piemonte (Ý) – đã thêm hạt phỉ vào để tăng lượng socola của mình, và cuối cùng đã dẫn đến việc vô tình tạo ra Nutella. Phát mình mới này tạo ra tiếng vang đến nỗi mọi người từ khắp nơi trên đất nước muốn được nếm thử. Vì vậy, vào ngày 14/5/1946, công ty Ferrrero đã chính thức thành lập. Ngày nay, cứ mỗi 2,5 giây là lại có 1 lọ Nutella được bán, trong khi mất đến 8 giây mới có một người được sinh ra. Bạn thử so sánh xem!
Màng bọc bong bóng ban đầu được dùng làm giấy dán tường
Màng bọc bong bóng giúp hàng tỷ sản phẩm được vận chuyển an toàn, nhưng bạn có biết rằng ban đầu nó được phát minh ra để làm giấy dán tường không? Năm 1957, kỹ sư Al Fielding và nhà phát minh người Thụy Sĩ Marc Chavannes đã cố gắng tạo ra một loại giấy dán tường với kết cấu độc lạ. Trong quá trình lên ý tưởng, họ chập hai tấm rèm tắm lại với nhau tạo nên một tấm màn có kết cấu bong bóng. Họ đã ngay lập tức quảng cáo cho sản phẩm này nhưng rất tiếc lại không hề thành công.
Ba năm sau, khi họ tin rằng phát minh của mình đã thất bại, vào ngày 5/10/1959, IBM đã công bố dòng máy tình 1401 đời mới. Frederick W. Bowers, một trong những người phụ trách mảng tiếp thị màng bọc bong bóng, đã có ý tưởng rằng sản phẩm có thể được sử dụng như một vật liệu đóng gói tốt. Ông đã trình bày ý tưởng này cho IBM và chứng minh được khả năng bảo vệ hàng hóa của màng bọc bong bóng. Đó là một thành công lớn và ngày nay, hơn 4 tỷ đô la (tương đương 92.000 tỷ đồng) màng bọc bong bóng được bán ra mỗi năm.
Ống bánh Pringles được chôn cùng người thiết kế ra chúng
Fredric Baur là “cha đẻ” của ống bánh Pringles. Vào năm 1966, Baur đã nghĩ ra một cách thông minh để Procter & Gamble xếp chồng các miếng bánh khoai tây lên nhau một cách thống nhất, thay vì ném chúng vào một cái túi. Ông rất tự hào về sáng kiến này và thật sự muốn đem phát minh của mình xuống mộ. Ban đầu, những người con trai của ông đã trêu chọc ông vì ý kiến đó nhưng khi Fredric qua đời ở tuổi 89, họ đã thực sự chôn tro cốt của cha mình vào một ống bánh như ông mong muốn.
Coca-Cola có tên từ lá coca và hạt kola
Coca-Cola là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên toàn thế giới với hơn 1,9 tỷ đồ uống được tiêu thụ mỗi ngày. Đồ uống này được gọi là “Coca-Cola” vì lá coca và hạt kola chính là nguyên liệu được sử dụng để sản xuất ra thứ đồ uống này. Thương hiệu Coca-Cola trị giá ước tính 74 tỷ đô la (tương đương 1.720.000 tỷ đồng), tức nhiều hơn cả Budwerser, Pepsi, Starbucks và Red Bull cộng lại.
Tiền thân của Samsung là một cửa hàng tạp hóa bán các sản phẩm địa phương ở Hàn Quốc
Samsung được thành lập vào năm 1938 bởi Lee Byung-Chull, một doanh nhân địa phương. Ông đã mở một cửa hàng kinh doanh tạp hóa ở Daegu (Hàn Quốc). Cửa hàng chủ yếu bán mì, cá khô, trái cây, rau và các sản phẩm địa phương khác trong và xung quanh thành phố. Đầu những năm 1950, Chull đã mở rộng kinh doanh của mình bằng cách đầu tư kinh doanh vào hàng dệt may, cuối cùng mở nhà máy len lớn nhất ở Hàn Quốc. Năm 1969, Samsung gia nhập ngành công nghiệp điện tử. Một trong những mặt hàng điện tử đầu tiên của họ là tivi đen trắng, Ngày nay, công ty đã phát triển thành một tập đoàn đa quốc gia, trở thành công ty công nghệ lớn thứ hai trên thế giới.