2 chiến lược đơn giản đưa Baemin lên Top 3 ngành giao nhận thức ăn

Bởi
Marketing
Cập nhật: 03/12/2023 1:16 pm
Đã đăng: 28/05/2021 10:13 pm

Gia nhập thị trường muộn hơn so với các đối thủ nhưng Baemin, ứng dụng giao thức ăn trực thuộc kỳ lân công nghệ Woowa Brothers (Hàn Quốc), tự tin với chiến lược tập trung vào cốt lõi: Đào tạo tài xế chuyên nghiệp và hỗ trợ các cửa hàng ăn uống, đưa cửa hàng lên trực tuyến tới người dùng.

Chiến lược thứ nhất: Chuyên tâm Foodtech

Hầu hết các đối tác xế khi tham gia vào mạng lưới Baemin đều phải vượt qua hai kỳ thi kiểm tra đầu vào – một điều khá ngược đời so với hình thức tuyển dụng của hầu hết các ứng dụng giao thức ăn hiện nay.

“Chúng tôi muốn để lại ấn tượng đầu tiên trong lòng khách hàng về Baemin là một đội ngũ tài xế chỉn chu và lịch sự”. – theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Điều hành Baemin Việt Nam, cho biết.

Baemin tuyên bố trên website của mình rằng hãng chỉ tập trung vào dịch vụ giao đồ ăn.

Sự bùng nổ quá nhanh về ứng dụng giao hàng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tài xế và các vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ.

Chính vì thế, Baemin chọn con đường riêng là đào tạo kỹ lượng đội ngũ tài xế tại từng thị trường và mở rộng dần theo phạm vi thành phố, nơi nhu cầu giao thức ăn lên đến 90% (theo Công ty nghiên cứu thị trường GComm).

TP.HCM và Hà Nội là hai ví dụ điển hình cho bước đi này của Baemin.

“Ở Việt Nam, FoodTech vẫn còn là một thị trường rất mới nên các công ty trong lĩnh vực này đều phải đầu tư khá nhiều vào việc xây dựng đội ngũ giao hàng cho riêng mình và vận hành đội ngũ đó”, ông Thành nói.

Sự tập trung và chuyên nghiệp này giúp Baemin sớm đạt được mục tiêu.

Theo khảo sát của Asia Plus mới đây, Baemin dù xuất hiện tại Việt Nam từ giữa năm 2019 nhưng đã nhanh chóng bắt kịp các ứng dụng Foodtech đi trước về tỷ lệ người sử dụng khi đạt con số 46%, trong đó tỉ lệ người dùng app thường xuyên là 16%.

Chất lượng dịch vụ là điều làm nên sự khác biệt của Baemin.

Cũng theo báo cáo, một số ứng dụng Foodtech được cho là phổ biến với người dùng lớn tuổi, trong khi Baemin lại hợp gu người trẻ. Đồng thời, startup đến từ Hàn Quốc nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đối tác, thương hiệu F&B.

Sau thời gian ngắn, BAEMIN đã đạt được quy mô tương đương với các công ty đầu ngành trong lĩnh vực giao đồ ăn và đang tiếp tục mở rộng quy mô trên cả nước.

Doanh nghiệp này hiện có thể tiếp nhận và xử lý 30.000 – 40.000 đơn hàng trong các khung giờ cao điểm; còn trong mỗi ngày cao điểm, con số này là khoảng 200.000 đơn hàng – tương đương với khả năng xử lý các đổi thủ đang dẫn đầu thị trường.

Chiến lược thứ hai: Xây dựng hệ sinh thái đối tác

Bên cạnh nhân sự giao nhận, Baemin còn phải đầu tư kết nối với các đối tác tham gia nền tảng của mình bằng việc cung cấp các hình thức thanh toán linh hoạt và quan trọng nhất là đồng hành cùng họ trong quá trình chuyển đổi một phần mô hình kinh doanh lên trực tuyến.

Theo ông Thành, ở một thị trường đang ở giai đoạn mới như Việt Nam, các nhà hàng, đặc biệt là các nhà hàng truyền thống, vẫn còn rất bỡ ngỡ với việc bán hàng online. Vì vậy, trong giai đoạn này, điều thiết thực nhất có thể làm là tạo ra cho họ một nguồn doanh thu.

Chiến lược của Baemin là cử nhân viên đến chăm sóc, hướng dẫn để các chủ nhà hàng biết cách đạt được doanh thu lớn hơn.

Song song đó, Công ty cũng gấp rút phát triển bộ phận chăm sóc, phản hồi kịp thời, và thanh toán đúng hạn để các chủ nhà hàng có nguồn vốn tiếp tục kinh doanh.

Baemin tạo ra hệ sinh thái dành cho các đối tác bán hàng.

“Đây là những bước rất căn bản nhưng tạo ra giá trị thật, để từ đó nhà hàng có sự tin tưởng để thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với chúng tôi”, ông Thành nhấn mạnh.

Chưa dừng lại ở đó, trong thời gian tới, Baemin sẽ đồng hành cùng các chủ nhà hàng để thực hiện các bước thay đổi về cách vận hành và sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp cho mô hình kinh doanh trực tuyến.

Theo ông Thành, quá trình sẽ diễn ra chậm nhưng chắc, từ một nhà hàng thuần về bán hàng truyền thống sẽ mở rộng dần sang mô hình trực tuyến để tăng thêm doanh thu.

Hơn ai hết, Baemin hiểu rõ rằng sự thành bại của một công ty nền tảng phụ thuộc rất lớn vào các đối tác tham gia, ở đây là các đối tác tài xế và chủ nhà hàng.

Theo ông Thành, tuy mới ra mắt tại thị trường Hà Nội nhưng sự tiếp nhận của khách hàng tại đây lớn hơn nhiều so với lần ra mắt tại TP.HCM.

“Có thể là thành phố mới nhưng thị trường cũng đã nghe nói nhiều về chúng tôi”. – ông Thành cho biết.

Vừa qua, Baemin cũng đã mở rộng thị trường giao nhận thức ăn vào miền Trung Việt Nam.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.