Thứ kiếm nhiều tiền và sự ra đời của đế chế nhai nhai

Bởi
Ý tưởng
Cập nhật: 14/11/2023 7:03 pm
Đã đăng: 03/02/2020 5:55 pm

Nhiều người nghĩ rằng con đường đi đến thành công trước hết phải tìm được đam mê, thế nhưng điều này hóa ra lại không mấy chính xác. Đối với một số người, đam mê là khi thứ họ làm kiếm ra tiền. Thật nhiều tiền…

Ảnh minh họa

William Wrigley Jr. là một thanh niên giàu tham vọng. Tuổi thơ nghịch phá cùng niềm yêu thích trường học ở mức “0” khiến cho gia đình lẫn nhà trường nhiều lần phải bó tay. Cuối cùng, trong nỗ lực dạy con nên người, chàng trai “được” cha cho nghỉ học và ra đời sớm. Gia đình Wrigley sở hữu một xưởng xà phòng, và công việc 10 tiếng một ngày với mức lương 1,5 đô/tuần được người cha kỳ vọng sẽ trị được con mình.

Và định mệnh đã chứng tỏ quyết định này đúng đắn. Sau một năm làm việc trong xưởng, William Wrigley được chuyển qua bộ phận bán hàng. Ở cái thời nước Mỹ những năm cuối thế kỷ 19, bán hàng đồng nghĩa với việc cưỡi xe ngựa đến từng nhà chào mời sản phẩm. Công việc này giúp anh chàng nhanh chóng học được mánh lới bán hàng cùng những kinh nghiệm kinh doanh xương máu.

Những thứ tích lũy được nếu không dùng sẽ trở nên phí phạm. Năm 1891, William Wrigley giờ đây đã 29 tuổi, cảm thấy mình phải có một chỗ đứng riêng. Nếu không phải bây giờ thì không biết đến bao giờ, Wrigley chuyển đến Chicago, bước đầu mở một đại lý bán xà phòng. Chính tại đây, Wrigley – một trong những người đầu tiên lúc bấy giờ – thử nghiệm cách thức vừa bán vừa tặng. Ông mua 65.000 cây dù giá rẻ và tặng cho khách hàng khi họ mua xà phòng. Kết quả khả quan của chiến dịch tặng phẩm này đưa ông tới với sản phẩm thứ hai, và cũng là định mệnh của đời ông: bột nở.

Ban đầu, bột nở chỉ là tặng phẩm khi mua xà phòng của Wrigley. Thế nhưng, theo thời gian, khách hàng tỏ ra quan tâm đến bột nở còn hơn cả xà phòng. Không cần phải suy nghĩ lâu, ông chấm dứt niềm đam mê xà phòng trong một nốt nhạc, từ đó tập trung hết sức vào bột nở. Kép phụ giờ đây trở thành kép chính, điều đó đòi hỏi một kép phụ mới phải lấp vào chỗ trống, một thứ phải rẻ và đủ độ hấp dẫn. Và Wrigley không phải tìm đâu xa.

Những ngày tháng làm việc thuở bé cho ông nhiều kỉ niệm, và một trong những kí ức đó gắn liền với một loại kẹo. Xuất phát từ người Mỹ bản địa, kẹo cao su khi ấy được sử dụng để thư giãn hoặc nhai cho vui. Thế nhưng, cho đến thời của Wrigley, công nghệ làm kẹo vẫn chưa mấy định hình. Sau vài cuộc khảo sát, Wrigley đặt hàng nhà máy sản xuất làm cho ông một lô kẹo từ nhựa cây chicle, rồi sử dụng chính sản phẩm ấy mang tặng cho khách hàng mua bột nở.

Bước ngoặt một lần nữa xảy đến, danh tiếng kẹo cao su chicle nhanh chóng lan xa và Wrigley lần thứ hai trong đời chứng kiến sản phẩm tặng kèm được yêu thích hơn sản phẩm chính. Đã làm kẻ thức thời thì phải làm cho trót, ông quyết định dồn mọi nguồn lực đang có vào kẹo cao su. Năm 1893, Wrigley ra mắt nhãn hiệu Spearmint và Juicy Fruit, chính thức bước vào thị trường nhai nhai đầy mới mẻ.

Thế nhưng, con đường của Wrigley sau đó lại không mấy khả quan. Sau rất nhiều nỗ lực quảng cáo, tăng trưởng công ty vẫn dậm chân tại chỗ. Đầu những năm 1900, sau hai phi vụ quảng cáo trị giá 100.000 đô la không thành, William Wrigley gần như rỗng túi. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1907 ở Mỹ đưa ông đến cơ hội và canh bạc cuối cùng, hãy tham lam khi người khác sợ hãi. Ở thời hưng thịnh trước đó, một chiến dịch quảng cáo hoành tráng trị giá 1,5 triệu đô la. Thế nhưng, vì lý do ế ẩm và chẳng ai dám đặt, các công ty quảng cáo phải giảm giá còn 250.000 đô la, Wrigley mặc dù trong túi không còn tiền vẫn liều lĩnh đi mượn. Ở lần cuối cùng này, may mắn đã mỉm cười với ông, doanh thu của Wrigley tăng trưởng từ 170.000 lên đến 3 triệu đô la. Năm 1910, Spearmint trở thành nhãn hiệu bán chạy nhất nước Mỹ.

Spearmint về sau được nâng cấp lên thành huyền thoại Doublemint. Năm 1932, William Wrigley Jr. mất, con cháu 3 đời sau tiếp tục dẫn dắt công ty mở rộng kinh doanh ra toàn cầu. Ngày nay, Wrigley trở thành công ty số một thế giới về kẹo cao su với sản phẩm bán tại 180 quốc gia trên thế giới. Ấn tượng hơn, công ty xâm nhập thành công cả thị trường Trung Quốc, biến quốc gia đông dân này trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ hai chỉ sau Mỹ.

Từ một thanh niên hội tụ đầy đủ yếu tố đi theo nghiệp xà phòng, William Wrigley Jr. đã chuyển hướng sang con đường riêng với kẹo cao su. Đôi khi, trong hành trình cuộc đời, rất khó biết được chính xác đam mê nằm ở đâu. Wrigley đã cho ta thêm một cách xác định khác, và đó đơn giản gói gọn trong bốn chữ: kiếm được nhiều tiền.

Nguồn: Ecoblader
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.