Chúng ta sẽ theo dõi một câu chuyện nho nhỏ về kế hoạch kinh doanh của một nhạc sĩ. Anh chàng đã lên kế hoạch chuẩn bị rất hoành tráng, dự báo rất chuyên nghiệp, và rồi…
Một anh bạn của tôi được một nhạc sĩ nhờ giúp đóng gói một số lượng lớn đĩa CD.
Anh nhạc sĩ này đã cho in 10,000 bản CD để chuẩn bị sẵn sàng cho 10,000 đơn đặt hàng chắc chắn sẽ tới trong tuần đó.
Anh này đã mua quảng cáo ¼ trang bìa 4 của một tạp chí với 1 triệu độc giả thường xuyên.
Nhạc sĩ nhà ta luôn miệng nói: “Nếu chỉ 1% độc giả của tạp chí này mua CD của tôi… thì đã cũng lên đến 10,000 đơn hàng rồi! Mà đó mới chỉ là 1% thôi đấy nhá!”.
Anh chàng đã mua 10,000 cái bìa CD có đệm và nhãn mác rất chi là hoành tráng. Chàng cũng đã biến cái ga ra nhà mình thành một trung tâm đóng gói đĩa CD.
Vẫn luôn miệng, anh nói “Có thể chúng ta đạt đến 10%! Là 100,000 bản! Nhưng với tình huống xấu nhất, nếu chỉ 1% thôi… thì vẫn rất là ngon!”.
Và rồi tạp chí cũng đến ngày xuất bản, và… chẳng có gì xảy ra cả. Anh nhạc sĩ mua một tờ. Có quảng cáo của anh đàng hoàng. Nhưng chẳng có đơn hàng nào đến cả! Có vấn đề gì nhỉ? Không. Đã kiểm tra rồi. Mọi thứ vẫn chạy tốt.
Vài tuần sau thì anh chàng nhận được 4 đơn hàng. Tổng số lượng đĩa bán ra: 4.
Bạn tôi kể lại câu chuyện và rồi kết thúc bằng một câu bất hủ:
“ANH CHÀNG QUÊN LÀ VẪN CÒN CÓ SỐ NHỎ HƠN 1%.”
Tôi luôn nhớ như in câu chuyện này mỗi khi tôi nghe có ai đó trình bày kế hoạch kinh doanh mà có câu đại khái như: “Với hơn 30 triệu cái iPhone đã được bán ra, thì cái ứng dụng của chúng ta chắc chắn sẽ… blah blah blah…”.
Lời bình của Ecoblader: Chẳng thể trách được anh nhạc sĩ. Thậm chí những người có chuyên môn về lập kế hoạch kinh doanh, khởi nghiệp cũng vẫn luôn rơi vào cái bẫy tự đánh giá cao bản thân và sản phẩm của mình. Lạc quan là điều tốt (không có nó thì làm gì có ai đi kinh doanh nữa), nhưng có lẽ những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh cần vẽ ra thêm nhiều trường hợp để đối phó với những tình huống như thế này thì hơn. Nếu dễ ăn như thế thì ai cũng trở thành tỷ phú rồi, đúng không?