Bạn có nhớ khi mình còn bé không? Trẻ con thường chỉ biết hành động chứ không bao giờ nghĩ thầm: “Học bóng chày lợi hơn bóng đá những chỗ nào nhỉ?” Chúng chỉ việc chạy quanh sân chơi bóng chày và bóng đá. Chúng xây lâu đài cát, chơi đuổi bắt, hỏi những câu ngốc nghếch, tìm bắt mấy con bọ, nhổ cỏ và giả vờ làm quái vật dưới cống chui lên.
Không ai bảo tụi nhóc làm việc đó, chúng chỉ biết làm là làm, chủ yếu vì chúng thấy tò mò và hứng thú mà thôi.
Và điều tuyệt vời là, nếu ghét bóng chày, chúng chỉ việc ngừng chơi. Không có tội lỗi gì ở đây cả. Không có tranh cãi, không có thảo luận. Chúng chỉ có thích hoặc không thích.
Nếu thích bắt mấy con bọ, thì cứ việc bắt. Chẳng có phân tích phân tiết gì ráo, kiểu như: “Vâng, bắt bọ có thực sự là công việc mà một đứa trẻ như mình nên bỏ thời gian làm không? Không ai khác muốn tìm bắt bọ, nghĩa là có điều gì đó không ổn với mình sao? Tìm bắt bọ ảnh hưởng thế nào đến triển vọng tương lai của mình?”
Bày vẽ vớ vẩn mà làm gì. Nếu bạn thích cái gì thì cứ việc làm.
Hôm nay tôi nhận được email thứ 11504 trong năm. Người này bảo tôi là anh ấy không biết làm gì với cuộc sống của mình. Và cũng giống như tất cả những người khác, anh muốn tôi cho ý kiến rằng anh nên làm gì, bắt đầu từ đâu, “tìm niềm đam mê” ở đâu.
Tất nhiên là tôi không trả lời. Tại sao? Bởi vì tôi chẳng có thông tin quái nào cả. Nếu anh không biết làm gì với chính mình, thì làm sao mà một con lừa nào đó trên mạng có thể chỉ giúp cho anh được chứ? Tôi là nhà văn, không phải thầy bói.
Nhưng quan trọng hơn, điều tôi muốn nói với những người này là: “không biết” là mấu chốt vấn đề. Cuộc sống là cả một trời của những thứ “không biết,” và rồi dù không biết những ta cũng phải làm một cái gì đó. Cuộc sống là như vậy đấy. Toàn bộ cuộc sống là như vậy đấy. Và cuộc đời anh cũng sẽ chẳng dễ chịu hơn chỉ vì tự dưng anh biết được rằng mình thích làm nghề chùi bể phốt, hay làm đạo diễn phim lẻ!
Lời phàn nàn phổ biến trong hầu hết những người này là họ cần “tìm kiếm niềm đam mê của mình.”
Tôi bảo: vớ vẩn! Anh đã tìm thấy niềm đam mê của mình rồi, chỉ là đang phớt lờ nó thôi. Nói nghiêm túc, anh tỉnh táo 16 giờ một ngày thì anh làm cái quái gì với thời gian đó? Rõ ràng anh phải đang làm cái gì đó. Anh đang nói về cái gì đó trong 16 tiếng này. Có một đề tài, hoạt động hoặc ý tưởng nào đó hút hết thời gian rảnh rỗi của anh. Nó chi phối những cuộc nói chuyện, chi phối luôn cái trình duyệt web của anh mà chẳng cần anh phải chủ ý theo đổi hay tìm kiếm nó.
Nó ở ngay trước mặt anh, chỉ là anh đang trốn tránh nó thôi. Chẳng biết lý do gì, nhưng anh đang trốn tránh nó. Anh đang tự bảo, “Ừ thì, mình yêu truyện tranh, nhưng việc đó không tính. Không thể kiếm tiền bằng truyện tranh được đâu.”
Mẹ kiếp, nói vậy chứ anh đã thử làm chưa?
Vấn đề không phải là thiếu niềm đam mê cho một cái gì đó. Vấn đề là năng suất. Vấn đề là nhận thức. Vấn đề là sự chấp nhận.
Vấn đề là, “Ồ thôi, cách đó không thực tế chút nào,” hoặc “Ba mẹ sẽ cạo đầu mình nếu mình cố làm việc đó, bắt mình phải là bác sĩ kia,” hoặc “Điên khùng, làm việc đó thì tiền đâu mà mua chiếc BMW chứ.”
Vấn đề không phải là niềm đam mê. Không bao giờ.
Vấn đề là sự ưu tiên.
Thậm chí dù mọi việc có xảy ra như trên, thì ai bảo rằng anh cần phải kiếm được tiền bằng những thứ anh thích? Mọi người cảm thấy phải yêu từng phút từng giây thổ tả của công việc từ khi nào thế? Thực sự, có gì sai khi làm một công việc bình thường tạm được với một vài người bạn thích, và rồi theo đuổi niềm đam mê của mình trong thời gian rảnh rỗi? Thế giới đã lộn ngược cả rồi hay sao mà chả ai nghĩ như thế nhỉ?
Nghĩ xem, đây là một cái tát vào mặt ta: công việc nào thì đôi lúc cũng chán ngấy. Không có cái gọi là hoạt động đam mê mà ta sẽ không bao giờ chán, không bao giờ bị căng thẳng, không bao giờ phải phàn nàn. Thứ đó không tồn tại. Tôi đang sống với công việc mơ ước của mình (nói thêm là cũng tình cờ thôi; cả triệu năm nay tôi chưa hề lên kế hoạch cho công việc này; giống một đứa trẻ chơi trên sân, tôi chỉ biết chơi thử), và tôi vẫn ghét khoảng 30% công việc đó. Có thể là 30,1%.
Lại nữa, đời thế đấy.
Vấn đề ở đây lại là kỳ vọng. Nếu bạn nghĩ rằng mình phải làm việc 70 giờ hàng tuần và ngủ trong văn phòng như Steve Jobs, yêu quý từng giây công việc, như thế là bạn đã xem quá nhiều loại phim rác rưởi rồi đấy. Nếu bạn nghĩ rằng mình phải tìm cho được việc nào mà mỗi sáng thức dậy thì đi làm như đi trẩy hội ấy, thì chắc bạn đang phê cần rồi. Cuộc sống không thể như thế được. Nói đơn giản là không thực tế. Có một điều chúng ta ai cũng cần, nó được gọi là sự cân bằng.
Tôi có một người bạn. Suốt ba năm qua, anh ta đã cố gắng xây dựng một doanh nghiệp trực tuyến bán bất cứ cái gì. Đến giờ vẫn chưa thấy gì. Ý tôi muốn nói là anh ta không tung ra được món hàng nào cả. Mặc dù “làm việc” nhiều năm trời, nói sẽ làm cái này cái kia, cuối cùng chẳng thấy cái nào.
Rồi một ngày nọ, anh mới thực sự làm. Đó là ngày một đồng nghiệp cũ của anh bạn tôi đến rủ anh làm một cái logo và thiết kế một số tài liệu quảng cáo cho một sự kiện. Lạy Ông Địa, anh bạn tôi vồ lấy như người sắp chết đói vớ được củ khoai.
Và anh bạn tôi đã làm một việc vĩ đại! Thức đến 4 giờ sáng, quên mình với công việc và yêu quý từng giây từng phút.
Nhưng rồi hai ngày sau khi xong việc, bệnh cũ tái phát: “Ông bạn à, tôi chẳng biết mình phải làm gì nữa.”
Tôi gặp rất nhiều người như thế. Họ không cần phải tìm đam mê đâu xa. Niềm đam mê đã tìm thấy họ rồi. Chỉ là họ phớt lờ nó, không chịu tin là nó sống nổi, ngại không dành cho nó một sự cố gắng thật tâm.
Giống như một đứa trẻ ngốc nghếch bước vào sân chơi và nói, “Ừa, mấy con bọ thú vị lắm, nhưng cầu thủ Liên đoàn Bóng đá Quốc gia có tiền nhiều hơn, vì vậy ta nên ép mình chơi bóng đá mỗi ngày.” Rồi nó về nhà, phàn nàn rằng mình không thích giờ ra chơi.
Đó cũng là chuyện vớ vẩn. Ai cũng thích giờ ra chơi cả. Vấn đề là cậu bé chọn bừa con đường hạn chế bản thân dựa trên một vài ý tưởng ngu ngốc về sự thành công và công việc cậu nghĩ mình phải làm.
Một loại email khác tôi thường xuyên nhận được là từ những người muốn tư vấn cách làm thế nào để trở thành nhà văn.
Câu trả lời của tôi cũng không khác: Tôi đếch có ý kiến.
Khi còn bé, tôi thường nằm trong phòng viết truyện ngắn cho vui. Lớn lên chút nữa, tôi viết bài đánh giá âm nhạc và tiểu luận về các ban nhạc tôi yêu thích, rồi không cho ai đọc cả. Khi internet xuất hiện, tôi đã bỏ hằng đống giờ trên các diễn đàn viết bài dài ngoằng về các chủ đề vớ vẩn – mọi thứ từ thiết bị truyền âm đàn guitar đến các nguyên nhân của cuộc chiến Iraq.
Tôi không bao giờ xem viết văn là một nghề tiềm năng, thậm chí không xem nó là sở thích hay đam mê. Với tôi, những điều tôi đã viết là niềm đam mê của mình: âm nhạc, chính trị, triết học. Viết chỉ là một cái gì đó tôi đã làm vì cảm thấy thích.
Và khi phải đi tìm một nghề mà mình có thể yêu, tôi đã không phải tìm xa. Thực ra, tôi đã không phải tìm gì cả. Nó đã chọn tôi, theo một cách nào đó. Nó đã ở đó sẵn rồi. Một cái gì đó tôi đã làm mỗi ngày, từ khi còn là một đứa trẻ, mà không hề nghĩ về nó.
Đây là một điểm khác có thể làm một vài người sốc: Nếu bạn phải tìm cái bạn đam mê, thế thì có lẽ bạn không đam mê gì nó cả.
Nếu đam mê cái gì đó, bạn sẽ cảm thấy nó như là một phần ăn sâu trong cuộc sống của mình, đến mức bạn cần phải được mọi người nhắc nhở rằng thứ bạn làm không bình thường, rằng những người khác không làm giống như thế.
Viết những bài 2.000 từ trên các diễn đàn là điều mà không ai coi là vui cả, nhưng tôi thì thấy thú vị. Thiết kế một cái logo là điều mà hầu hết mọi người không thấy dễ dàng và thú vị, còn anh bạn tôi thì khác. Đối với anh ta, thiết kế logo hiển nhiên là thú vị và dễ dàng, không có chuyện khó. Và đó là lý do tại sao anh ta thực sự muốn làm công việc này.
Một bé con không bước vào sân chơi và tự bảo với mình, “Làm thế nào để tìm thấy niềm vui nhỉ?” Cô bé chỉ việc đi và thấy vui thôi.
Nếu bạn phải tìm kiếm điều mình thích trong cuộc sống, lúc đó bạn sẽ không thích điều gì cả.
Sự thật là bạn đã thích một cái gì đó rồi. Bạn đã thích nhiều thứ rồi. Có điều là bạn đang chọn cách phớt lờ nó mà thôi…