Nguyên lý bán lỗ và bài học đến từ quá khứ

Bởi
Kinh doanh
Cập nhật: 03/12/2023 1:34 pm
Đã đăng: 04/03/2020 4:32 pm

Giang hồ từng có lời đồn đại về một doanh nhân người Nhật có tên Shimamura Yoshio, người đã làm việc công cốc trong suốt cả năm trời trước khi bắt đầu kiếm được hàng triệu yên mỗi ngày. Phương pháp của ông thoạt nghe rất lạ lùng, nếu không muốn nói là cực kì đơn giản, nhưng cuối cùng nó đã mang lại hiệu quả vô cùng đáng nể.

Ảnh minh họa

Yoshio vốn là một người buôn bán dây thừng. Ban đầu ông đến chỗ nhà máy sản xuất để đặt mua dây với giá gốc là 0,5 yên/ sợi. Sau đó, ông mang lô sản phẩm này đến Tokyo để bán lại cho khách hàng với giá… 0,5 yên. Đúng rồi bạn không đọc nhầm đâu, chính xác thì ông đã bán lại cho các khách hàng của mình với mức giá hòa vốn, sau khi đã cấn trừ đi những chi phí giao hàng tối thiểu. Cách kinh doanh lạ đời này của ông diễn ra trong gần một năm trời, và danh tiếng về người bán hàng giá hời này nhanh chóng lan đi khắp nơi. Chẳng mấy chốc, đơn hàng ùa về rất nhiều và sản lượng hàng hóa tiêu thụ của ông đã lên đến hàng chục triệu. Tuy nhiên, vấn đề còn lại nằm ở chỗ: bán nhiều mà không lời thì bán làm chi?

Dĩ nhiên, nếu chúng ta – những người nghe kể lại – còn thắc mắc thì huống hồ gì bản thân Yoshio lại không. Tuy vậy, trong đầu ông đã có một dự tính, ông muốn chứng minh cho mọi người thấy thẳng thắn thật thà sẽ không thua thiệt. Đầu tiên, Yoshio đến gặp các khách hàng và đưa ra bằng chứng cho họ thấy mình đã bán nguyên giá suốt từ trước đến nay. Tiếp đó ông tìm đến các nhà sản xuất và cũng đưa ra bằng chứng tương tự. Nếu tình hình như thế vẫn tiếp diễn thì công ty của tôi không thể trụ được lâu là lời giãi bày của ông với cả 2 bên. Cuối cùng, cảm động trước tấm lòng thật thà của Yoshio, cả 2 bên đã quyết định nhượng bộ cho ông 0,05 yên/ sợi dây. Vậy là giờ đây, Yoshio mua được từ nhà máy với giá 0,45 yên và bán cho khách hàng với giá 0,55 yên. Ông có được lợi nhuận 0,1 yên/ sợi dây với sản lượng mỗi ngày trên 10 triệu sợi, và từ đó ăn nên làm ra. Phương pháp bán hàng của ông đã được giới thương gia Nhật ưu ái đặt tên “Thuật bán nguyên giá Shimamura Yoshio”.

Thực ra, cốt lõi của “thuật nguyên giá” chính là dùng lợi thế sản lượng lớn để đạt được mức giá tốt nhất. Nếu ngay từ ban đầu, Yoshio chỉ đơn giản đến và thương thảo với cả 2 bên khách hàng và nhà sản xuất, chắc chắn việc nhượng bộ không dễ dàng xảy ra. Cảm động chỉ là cái cớ, thực tế với một sản lượng lớn như thế, Yoshio đã có một quyền lực đàm phán đáng kể, và kết quả là ông đã có được lợi thế, dù ít trên một đơn vị nhưng nhiều trên tổng sản lượng.

Và không đâu xa lạ, biến thể của phương pháp này ngày nay đã được rất nhiều doanh nghiệp quen thuộc với chúng ta áp dụng. Phương pháp của Yoshio nghe qua rất lý tưởng, nhưng ở thời đại ngày nay, trước sự cạnh tranh vô cùng gay gắt và áp lực của tốc độ phát triển, thay vì bán nguyên giá, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu lỗ một tỷ lệ nhất định để giành được thị trường càng nhiều càng tốt. Muốn bán càng nhanh, hãy bán giá càng thấp, đó là một nguyên tắc không bao giờ cũ. Và đó chẳng phải là cách làm của những ông lớn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… hay còn là cuộc chiến sống còn đang đến hồi gay cấn giữa Grab, Uber và các hãng taxi truyền thống đó sao? Nền kinh tế chia sẻ, công nghệ hiện đại cuối cùng chỉ là công cụ, mục đích cuối cùng của họ vẫn là một quy mô tiêu thụ đáng kể. Và cuối cùng, sau khi đã bình định các đối thủ và giành được chiến thắng, cũng như Yoshio, họ sẽ sử dụng quyền lực của mình để thu lại lợi nhuận. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng bản chất của kinh doanh vẫn muôn đời như vậy.

Theo thời gian, dù cho công nghệ và cuộc sống của con người đã thay đổi nhưng kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ vẫn còn nguyên đó. Hiểu được bản chất vấn đề và tìm cách sử dụng sáng tạo chúng trong thời hiện đại chính là nhiệm vụ của hậu bối chúng ta. Đừng chờ đợi những bài học hoàn toàn mới mẻ từ trên trời rơi xuống nữa, đôi khi tất cả những gì chúng ta cần học hỏi đã có sẵn ngoài kia. Tìm học được tới đâu và nghĩ cách vận dụng như thế nào, đó là còn tùy thuộc ở bạn vậy.

Nguồn: Ecoblader.com
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.