Pringles và nỗi khó chịu đầy toan tính

Bởi
Chiến lược
Cập nhật: 03/12/2023 11:20 am
Đã đăng: 01/07/2021 8:00 am

Ắt hẳn ai trong đời cũng từng biết qua loại bánh khoai tây nổi tiếng với hình ảnh ông già có râu – Pringles. Không những là niềm ao ước của bao nhiêu đứa trẻ với hương vị nổi tiếng dễ gây nghiện, loại bánh khoai tây huyền thoại này vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của người lớn trong các cuộc vui nhóm nói chung. Nhưng, ít ai biết rằng, đứng sau thành công đó, lại là một nhân vật ít ai ngờ đến nhất: cái ống bao bì.

© Bloomber /Getty Images

Năm 1966, khi đứng trước yêu cầu phải nghĩ ra một hình dạng bao bì đáp ứng được rất nhiều yêu cầu của Procter & Gamble – công ty sở hữu Pringles – một nhân viên kĩ thuật lưu trữ thực phẩm tên Fredric Baur đã nảy ra một ý tưởng cách mạng. Trước đó, loại khoai tây chiên của Pringles rất dễ vỡ vụn khi đóng gói và vận chuyển. Baur đề xuất phương pháp các miếng khoai tây có đường cong nhất định sẽ được xếp chồng lên nhau và đặt vào bao bì có hình dạng ống tuýp giấy. Với mức độ tính toán chuẩn xác, không gian trong ống sẽ được rút lại, giảm tối thiểu va đập của các miếng bánh. Như thể một mũi tên trúng hai con nhạn, cách thức này vừa giúp giải quyết được vấn đề dễ vỡ khi vận chuyển, vừa giúp Pringles tiết kiệm chi phí do có thể dồn số lượng nhiều hơn vào một đơn vị sản phẩm. Giải pháp trông đơn giản nhưng không hề dễ ăn của Fredric Baur đã được công nhận bằng tấm bằng bảo hộ sáng chế được cấp 4 năm sau đó. Nhưng, câu chuyện chưa hề dừng lại ở đó.

Vấn đề lớn trong thiết kế của Fredric Baur là: ông chẳng quan tâm gì đến cảm nhận khách hàng. Và quả thật, ban đầu, họ cũng không chào đón nhiệt liệt gì cái ống cho lắm. Một trong những bất tiện kinh điển nhất được chỉ ra chính là, người dùng không thể cho tay vào tận cùng ống để lấy những miếng cuối cùng, và thế là họ phải đổ ra các kiểu. Theo thời gian, nỗi khó chịu đó chẳng những không hề mất đi mà còn viral mạnh hơn. Có cả những cộng đồng được lập ra chỉ để “hướng dẫn cách ăn Pringles đúng điệu” và giang hồ cứ thế nghĩ ra hàng tá cách từ đơn giản cho đến phức tạp nhất. Đỉnh điểm là một nhà thiết kế có tên Dohyuk Kwon đã nghĩ ra một dạng ống tuýp giấy đặc biệt mà khi banh ra sẽ thành một cái tô, giúp cho người dùng có thể thoải mái lấy bánh. Nhưng mặc tất cả, Pringles vẫn bình chân như vại.

Tại sao phải xoắn khi doanh số vẫn tăng trưởng ổn, chẳng phải “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” hay sao? Khách hàng càng khó chịu, họ càng đi rao giúp hãng về cách ăn, và càng rao nhiều bao nhiêu thì mức độ lan tỏa thương hiệu càng cao bấy nhiêu. Điều quan trọng đối với một hộp bánh khoai tây chiên vẫn phải là bánh, hộp tiện cũng được mà không tiện cũng được, nhưng quan trọng là bánh phải ngon. Ai lại phải cất công nghĩ cách ăn một hộp bánh dở chứ? Cuối cùng, một bí ẩn cốt lõi mà không phải ai cũng nhận thức hay bày tỏ ra bằng lời được, cảm giác trút những mẩu vụn bánh dưới đáy ống vào miệng được xem như một trong những cảm giác thỏa mãn nhất vũ trụ. Và một khi Pringles vẫn nắm được điều đó, họ không cần phải cất công thay đổi.

Trường hợp của Pringles đã chứng minh một điều ngược lại với tư tưởng thông thường rằng: đôi khi chiều lòng khách hàng 100% chưa chắc bằng để lại cho họ một chút cảm giác khó chịu. Rất nhiều người vẫn thắc mắc tại sao hãng không có một động thái nào thay đổi nhưng họ không hiểu một điều rằng: trong một thế giới đầy nhiễu loạn, thà được nói đến còn hơn bị lãng quên.

Nguồn: Ecoblader
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.