Phàm ở đời, thiên hạ có câu “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt” để giãi bày nỗi lòng cho những ai vốn không thích cách sống luồn lách. Thế nhưng, đã có một nhân vật từng quyết tâm thay đổi quan điểm đó, để chứng minh cho mọi người thấy chẳng phải vòng vo làm gì, đôi khi nói thật cũng lợi hại không kém, tên ông là Steve Comisar.
Trước hết, hãy nhìn qua sự nghiệp hoành tráng của người đàn ông này. Ông từng bị bắt vào Nhà tù Liên bang Mỹ do bị kết tội trong nhiều phi vụ lừa đảo khác nhau. Sau khi ra tù, Comisar tuyên bố quy ẩn giang hồ, rửa tay gác kiếm và trở thành một chuyên gia cố vấn… chống lừa đảo. Ông sau đó còn xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình rồi xuất bản cả một cuốn sách mang tựa đề “Cẩm nang chống lừa đảo ở Mỹ” (2012). Nhìn chung, con đường hoàn lương của Comisar có vẻ ổn thỏa, nhưng cái làm cho mọi người nhớ nhất chính là một trong những phi vụ hồi ông mới vào nghề.
Dường như thấy rằng, trong những phi vụ gạt người khác, những tay thích lừa cứ nhất thiết phải “nói dối”, Comisar tự nhủ với chính mình “tại sao lại không nói thật nhỉ?” Nghĩ là làm, chàng trai Comisar trẻ tuổi liền đặt mua một mẩu quảng cáo trên tờ tạp chí quốc gia National Enquirer với nội dung như sau:
“Thiết Bị Phơi Đồ Năng Lượng Mặt Trời, chỉ với giá 49,95 đô la. Các kiểm định khoa học cho thấy, thiết bị này đảm bảo dùng tốt lên đến 5 năm nếu được cung cấp đủ áng sáng mặt trời. Không phải dùng bất kì một nguồn năng lượng nào khác, không pin, không điện. Miễn phí giao hàng toàn quốc.”
Những khách hàng xem được dòng chữ này tỏ ra khá là hứng thú với sản phẩm. Ai cũng biết nỗi niềm phơi đồ canh nắng chạy mưa khá là khổ sở, đó là còn chưa kể đến mùi ẩm mốc nếu quần áo không được hong khô hoàn toàn. Giờ mà có thiết bị không dùng năng lượng gì cả, chỉ tốn khoảng 50 đô la để giải quyết vấn đề này thì còn gì bằng. Thế là, những đơn hàng nối tiếp bay về.
Thời gian chờ đợi dằng dặc không cản được cảm giác háo hức khi nhận được sản phẩm. Các khách hàng cẩn thận cắt xé từng mẩu băng dán, nhẹ nhàng gỡ hộp ra và trước mặt họ, được đóng gói kĩ càng giữa hộp, là một… đoạn dây phơi đồ! Có gì đó có vẻ sai sai, rõ ràng là họ đặt hàng một thiết bị phơi đồ dùng năng lượng mặt trời chứ đâu phải đoạn dây này chứ? Vài khách hàng tìm cách liên lạc cho người bán (Comisar) và nhận được phản hồi như sau:
Sản phẩm là một thiết bị phơi đồ, đúng không? – Đúng.
Dùng năng lượng mặt trời, tức là ánh nắng, đúng không? – Đúng.
Đảm bảo dùng tốt nếu cung cấp đủ ánh sáng mặt trời? – Đúng.
Không pin, không điện, miễn phí giao hàng? – Cũng đúng nốt.
Vậy đích thị người bán đã cung cấp đúng sản phẩm y như quảng cáo, không có gì khuất tất ở đây cả.
Đến lúc này thì khách hàng đã vỡ lẽ ra họ bị “lừa” một cách không thể thật thà hơn. Không có bằng chứng hay lý do gì để khởi kiện nhà bán hàng, người mua đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Phi vụ này của Comisar đi vào sách giáo khoa của những kẻ lừa đảo khi hoàn toàn né được những cáo buộc liên quan đến pháp luật (mặc dù về sau, rồi ông cũng bị vào tù trong một phi vụ khác). Chỉ bằng những lời lẽ không thể nào thật hơn, Comisar đã chứng minh rằng, sức mạnh của ngôn từ thật vô cùng khó lường. Chỉ cần muốn, người ta có thể đổi trắng thay đen một cách rất ư dễ dàng. Giữa dòng đời nhiễu nhương, nơi lòng tin của con người liên tục bị thử thách, đừng chỉ đề phòng với những lời nói dối, vì biết đâu, ngay cả những lời nói thật 100% đấy cũng chắc gì đã tốt đẹp hơn?